PV: Nhìn lại một năm có nhiều biến động, ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế năm 2022?
TS. Nguyễn Quốc Việt |
TS. Nguyễn Quốc Việt: Qua theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô, VEPR thống nhất đánh giá rằng trong năm 2022, nhiều chính sách về ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của Chính phủ đã được thực hiện tốt. Nổi bật như là mặt bằng giá cả được ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, đặc biệt là chỉ số lạm phát cơ bản cũng chỉ trên 2%. Đấy là một trong những nền tảng tốt, tạo ra sự phục hồi và sức bật của nền kinh tế.
Có thể khẳng định, trong năm 2022, Việt Nam đã có sự phục hồi tăng trưởng tương đối thành công so với các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước trong khu vực châu Á mà chúng ta có sự so sánh tương quan. Việc đạt và vượt mục tiêu của 14/15 chỉ tiêu đề ra về phát triển kinh tế – xã hội của năm 2022 là một bằng chứng rõ nét cho thấy chúng ta đã có sự phục hồi thành công.
Dòng vốn FDI thực hiện năm qua tăng đáng kể, giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đã vượt của năm 2021 và thặng dư thương mại trên 10,6 tỷ USD… Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều nước thu hẹp, Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid, thì đó là những bằng chứng rất rõ nét cho thấy chúng ta đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo động lực cho tăng trưởng của năm 2022.
Bên cạnh đó, trong một số lĩnh vực cũng có những hạn chế nhất định như biến động về cung cầu một số các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, hay biến động về tỷ giá…
Đặc biệt có một điều đáng tiếc là đầu tư công thông qua gói phục hồi kinh tế được Quốc hội, Chính phủ thông qua để thực hiện trong 2 năm 2022 – 2023 sẽ là động lực rất lớn cho sự phục hồi của Việt Nam hậu Covid-19 đã chưa được như kỳ vọng.
Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. |
PV:Năm 2022 chúng ta đã đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu. Chỉ tiêu duy nhất không đạt là về tăng năng suất lao động. Đây cũng là chỉ tiêu rất quan trọng của kinh tế vĩ mô. Theo ông, vì sao chỉ tiêu này chưa đạt?
TS. Nguyễn Quốc Việt: Có rất nhiều các nguyên nhân khác nhau, không thể chỉ nhìn nhận vấn đề từ doanh nghiệp hay ngành, lĩnh vực nào mà giải quyết được.
Như trong một hội thảo mà chúng tôi mới tổ chức về cải thiện môi trường kinh doanh, các chuyên gia đã phân tích yếu tố môi trường kinh doanh thuận lợi đóng vai trò rất quan trọng. Nếu như các hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng vẫn chịu nhiều rủi ro và chi phí, thì hiệu quả kinh doanh, động lực kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh những rủi ro từ thị trường, thì còn có nhiều rủi ro đến từ sự thay đổi không lường trước được của các chính sách. Điều này khiến niềm tin của doanh nghiệp, của người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Về chi phí, chúng ta cũng thấy rằng doanh nghiệp phàn nàn rất nhiều về việc họ phải gánh nhiều loại chi phí trung gian, chi phí về hạ tầng, về logistic lớn, cùng với các chi phí về tuân thủ các chính sách trong bối cảnh mà Nhà nước cũng phải thích ứng với biến động của tình hình kinh tế, dịch bệnh, loại chi phí không chính thức.
Tất cả những rủi ro và chi phí đó bào mòn lợi nhuận, bào mòn động lực của doanh nghiệp trong phát triển bền vững và chính nó cũng là một yếu tố bào mòn năng suất lao động nói chung. Tất nhiên, bên cạnh đó thì còn có nguyên nhân từ nội lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, từ công tác quản trị, nguồn lực, nhân sự đến ứng dụng công nghệ… ảnh hưởng đến việc cải thiện năng suất lao động.
PV:Tình hình năm 2023 được dự báo là sẽ rất nhiều khó khăn, ông có đánh giá và khuyến nghị gì?
TS Nguyễn Quốc Việt: Năm 2022, mặc dù chúng ta đã đạt được một số thành tích nhất định nhưng không nên vì thế mà quá lạc quan, bởi những thách thức và những “cơn gió ngược” vẫn còn phía trước.
Lạm phát toàn cầu mặc dù được dự báo là đã đạt đỉnh và có thể cuộc chạy đua về tỷ giá và lãi suất không còn căng thẳng như năm 2022, nhưng nó chưa thể chấm dứt trước khi các nước kiềm chế được lạm phát. Do vậy, việc duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn có thể được tiếp tục trong năm 2023.
Cần phát huy tối đa quyền tự chủ kinh doanh mà cải cách thể chế mang lại Để nâng cao năng suất lao động, trước hết chính doanh nghiệp cần phải tự lực, nâng cao chất lượng quản trị, nhân sự, ứng dụng công nghệ, phát huy tối đa quyền tự chủ kinh doanh mà các cải cách thể chế đã mang lại. Cùng với đó mạnh dạn hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để có cơ hội bứt phá và từ đó nâng cao năng suất lao động. Về phía cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả, qua đó giảm rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. – TS. Nguyễn Quốc Việt |
Nhiều dự báo cho rằng sẽ xảy ra suy giảm kinh tế toàn cầu trong năm 2023, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam khi mà độ mở của nền kinh tế rất cao. Những tín hiệu xấu đầu tiên đã xuất hiện khi xuất khẩu lần đầu tiên sụt giảm trong 2 năm, vốn FDI đăng ký mới giảm đáng kể.
Một khó khăn nữa là vướng mắc về thể chế và hiệu quả của thị trường trong nước. Hiện nay, chi phí vốn đang rất cao, mặc dù room đã được nới nhưng có nhiều doanh nghiệp cho rằng họ cũng không dám tăng tín dụng vì lãi suất cao, chi phí đầu vào cao, thị trường lại đang khó khăn.
Để thích ứng được với bối cảnh này tôi cho rằng cần phải có sự phối hợp giữa bàn tay quản lý của Nhà nước cũng như sự tự chủ, chủ động vượt qua khó khăn của doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp, thay vì chờ đợi và kêu gọi hỗ trợ từ phía Nhà nước thì nên chủ động tham gia cùng với cộng đồng các cơ quan tư vấn, cơ quan nghiên cứu chính sách để kịp thời có tiếng nói cải thiện các cách tiếp cận của Nhà nước trong các chính sách vĩ mô, cũng như trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, để các chính sách hài hòa với thị trường, phù hợp quy luật thị trường.
Chúng ta không đợi “cùng tắc biến”, không đợi “nước đến chân mới nhảy” mà phải lường trước rủi ro để có kế hoạch ứng phó. Là cơ quan nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách, chúng tôi rất mong muốn đồng hành với doanh nghiệp, với các cơ quan hoạch định chính sách để có những dự báo chính xác, những chính sách hiệu quả, từ tâm huyết của cả doanh nghiệp và Nhà nước, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tập trung cải cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Theo bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), từ năm 2014 đến nay, những nỗ lực cải cách của Chính phủ hướng tới thị trường tự do và cải thiện môi trường kinh doanh đã đưa vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng”. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, có thể do tác động của dịch bệnh, nên tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại. Thậm chí, dường như mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường có dấu hiệu tăng lên trong những năm gần đây. Điều này cho thấy, yêu cầu giảm sự can thiệp của Nhà nước, tạo sự chủ động tốt hơn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Ông Fred Mcmahon – Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada) nhận xét, việc cải thiện thể chế, thúc đẩy tự do kinh doanh là yêu cầu tất yếu của Việt Nam hiện nay. Muốn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn, không còn cách nào khác là Việt Nam cần phải tập trung cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Để làm được như vậy, thúc đẩy tự do kinh doanh là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |