PV:Thưa ông, trong khó khăn và những ảnh hưởng nặng nề của hơn 2 năm dịch bệnh, nhưng tăng trưởng kinh tế và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt được kết quả hết sức khả quan, ông đánh giá như thế nào về những kết quả này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đã dần được ổn định và hoạt động có hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa |
GDP dự kiến tăng 8%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 6 – 6,5%, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tổng thu ngân sách vượt dự toán rất cao, tăng hơn 14% so với dự toán, khả năng thu vượt 350 nghìn tỷ đồng vào cuối năm. Trong đó, thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt. Chính phủ có những giải pháp tích cực từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ nên đã góp phần thúc đẩy sản xuất, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về chi ngân sách, Chính phủ, bộ, ngành cùng các địa phương đã chỉ đạo điều hành bám sát dự toán; quản lý, kiểm soát ngân sách chặt chẽ, tránh thất thu, lãng phí, đảm bảo các nhiệm vụ chi kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm nhiều, cùng các gói hỗ trợ sau Covid-19.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới, như: Cơ cấu NSNN chưa vững chắc. Thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… Với những tồn tại này, tôi cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong thời gian tới.
PV: Chưa bao giờ gói hỗ trợ về thuế, phí lại lớn như năm nay, đặc biệt việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đã tập trung vào phục hồi các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Ông có nhận xét gì về gói hỗ trợ này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi cho rằng, gói hỗ trợ lên tới 233 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp (DN), người dân là rất lớn và rất nhân văn. Trong điều kiện nước ta vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19, các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn thua lỗ, thậm chí đóng cửa, giải thể, thiếu nợ do hoạt động không hiệu quả; nếu Nhà nước không hỗ trợ thì DN sẽ rất khó khăn.
Nguồn: Quốc hội. Đồ họa: Văn Chung |
Dù hỗ trợ cao nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn, cho nên tôi rất đồng tình, Nhà nước khó khăn nhưng vẫn có chính sách rõ ràng, cụ thể cho DN.
Ví như, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, gói chính sách tài khóa đã tập trung vào nhóm nhiệm vụ liên quan tới hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình, theo báo cáo sơ bộ của Chính phủ, đến tháng 9/2022 đã đạt 55,5 nghìn tỷ đồng. Các chính sách đã hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng người lao động, DN và người dân, như: các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay…
Có thể nói, sự phối hợp đồng bộ của các giải pháp nêu trên nhìn chung đã đem đến các kết quả khả quan. Các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch Covid-19. Quy mô gói hỗ trợ đã được mở rộng hơn nhiều so các năm trước.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai chương trình vẫn còn một số bất cập, như: gói hỗ trợ lãi suất 2% còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công các gói thuộc chương trình cũng chậm, Chính phủ cần có giải pháp cho thời gian tới.
PV: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế vẫn tiếp tục triển khai trong năm 2023. Theo ông, cần phải làm gì để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Tôi đồng tình với một số ý kiến cho rằng, về dài hạn, các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt, nghĩa là có lộ trình cụ thể.
Nếu không được hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn “Tôi cho rằng, gói hỗ trợ lên tới 233 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp, người dân là rất lớn và rất nhân văn. Trong điều kiện nước ta vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn thua lỗ, thậm chí đóng cửa, giải thể, thiếu nợ do hoạt động không hiệu quả; nếu Nhà nước không hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn” – đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh. |
Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều DN không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, một số thủ tục đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn thuộc chương trình.
Về lâu dài, các gói hỗ trợ tài khóa cũng cần phải tính toán, nhưng trong trước mắt, cần tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ về tài khóa theo chương trình. Bởi trên thực tế, các chính sách tài khóa đưa ra một loạt các giải pháp nhất là về thuế, phí, lệ phí đã trực tiếp đi vào cuộc sống, DN cũng như người dân được thụ hưởng, giúp giảm bớt các khó khăn trong quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2023, tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục rà soát và kiểm tra tiến độ, trách nhiệm thực hiện chương trình của các bộ, ngành.
Để phát huy hiệu quả chính sách tài khóa, trong thời gian tới cần đặc biệt chú trọng vào khâu triển khai và phối hợp chính sách. Ngoài ra, cùng với việc triển khai hiệu quả chương trình, trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu thế giới gia tăng tác động lên lạm phát, cần tiếp tục phát huy, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội như mục tiêu đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách vượt dự toán Trong nước, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, việc triển khai các giải pháp chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân đã bước đầu phát huy tác dụng; nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; hệ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục được cải thiện; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khá và tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi tích cực. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 – 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 đã đề ra. Đánh giá thực hiện cả năm thu NSNN ước đạt gần 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán (khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng), tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động, ảnh hưởng mạnh của những biến động từ bên ngoài; áp lực kiểm soát gia tăng; hoạt động sản xuất – kinh doanh của một số lĩnh vực còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai, bão lũ, sạt lở đất,… tác động không thuận lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và tài chính – NSNN năm 2022. |