PV: Ông có thể cho biết đôi nét về tình hình hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn sau dịch Covid-19?
Ông Nguyễn Ngọc Huân: Cục Hải quan tỉnh Long An được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Bến Tre, với 28 khu công nghiệp và 37 cụm công nghiệp đang hoạt động. Riêng tỉnh Long An có tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia dài gần 133 km.
Ông Nguyễn Ngọc Huân |
Sau đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) đang hồi phục trở lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 1.984 DN đăng ký làm thủ tục hải quan, tăng 2,9% (so với năm 2021). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu được đơn vị làm thủ tục thông quan đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,3%; trong đó, xuất khẩu đạt 9,6 tỷ USD, tăng 31%; nhập khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 6,8%.
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm may mặc, da giày gia công, sản xuất xuất khẩu. Nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, hóa chất, dầu cọ, sắt thép, kim loại màu, thủy hải sản, nguyên phụ liệu ngành may mặc để gia công và sản xuất xuất khẩu.
PV: Để trợ giúp DN xuất nhập khẩu phục hồi sản xuất kinh doanh, đơn vị đã có hoạt động thiết thực nào trong cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát, thông quan hàng hóa, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Huân: Giai đoạn diễn ra dịch Covid-19, đơn vị đã chủ động đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu; tiếp tục thực hiện trong năm 2022 và xuyên suốt trong những năm tiếp theo phù hợp với từng giai đoạn.
Bộ hồ sơ hải quan được thực hiện theo hướng đơn giản hóa. Về cơ bản, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan sẽ được nộp qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; không yêu cầu DN phải nộp trực tiếp cho công chức hải quan, trừ trường hợp phải nộp chứng từ giấy theo quy định. Cơ quan hải quan luôn đảm bảo bố trí lực lượng, thời gian làm việc linh hoạt trên cơ sở đề nghị của DN khi có nhu cầu thông quan ngoài giờ hành chính. Đơn vị quán triệt công chức giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo tuân thủ nghiêm thời hạn theo quy định của pháp luật; không yêu cầu người khai hải quan bổ sung hồ sơ nhiều lần hoặc cung cấp chứng từ ngoài quy định.
Về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, chúng tôi áp dụng Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) và các hệ thống vệ tinh hỗ trợ khác được vận hành ổn định, thông suốt, đảm bảo an ninh, an toàn.
Cán bộ Cục Hải quan Long An tiếp nhận giải quyết thủ tục nhập khẩu cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Về thu thuế, đến nay đơn vị đã triển khai thực hiện tốt đề án “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7”. Thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được đẩy mạnh; thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4.
Trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cho DN, chúng tôi luôn theo dõi nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ. Khi phát sinh vướng mắc, DN gửi ngay văn bản hoặc thông tin bằng nhiều hình thức như: điện thoại, gửi qua email, zalo…, các đơn vị nghiệp vụ sẽ hướng dẫn kịp thời.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người khai hải quan luôn được chú trọng. Đơn vị cũng tích cực tuyên truyền các nội dung cam kết về hải quan trong các hiệp định thương mại thế hệ mới về những ưu đãi về chính sách, những lợi ích của DN…
Thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp Trong năm 2022, Cục Hải quan Long An luôn quan tâm phát triển đối tác hải quan – doanh nghiệp (DN). Đơn vị đã tổ chức hội nghị đối thoại với DN tại địa bàn ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre với sự tham gia của 134 DN. Thông qua hội nghị, đơn vị đã cơ bản nắm bắt những khó khăn, kiến nghị từ DN trong hoạt động xuất nhập khẩu; đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của DN đối với công chức hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ để tiếp thu và hoàn thiện. Trong thời gian tới, Cục Hải quan Long An tiếp tục quán triệt công chức nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thái độ phục vụ DN hòa nhã, lịch sự tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng giữa các DN; xử lý nghiêm nếu công chức có hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. |
PV:Thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, xin ông cho biết tình hình thực hiện nhiệm vụ này trong tháng cuối năm?
Ông Nguyễn Ngọc Huân: Đến nay, số thu của đơn vị đạt 3.890,4 tỷ đồng, giảm 15,3% (so với cùng kỳ), đạt 82,78% dự toán.
Nguyên nhân số thu bị ảnh hưởng là do năm 2022, DN cơ bản đã ổn định lại sản xuất và duy trì mức trung bình, chưa mở rộng. Nhiều DN chuyển từ hàng nhập kinh doanh sang loại hình sản xuất xuất khẩu, ảnh hưởng biến động giá thép từ thị trường chính Trung Quốc, biến động giá nhiên liệu nên hầu hết các mặt hàng chủ lực có nguồn thu lớn đều bị ảnh hưởng.
Đặc biệt là trong năm 2022, nguồn thu từ nhóm dự án điện gió giảm 700 tỷ đồng so với năm 2021, do các dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, không còn phát sinh hàng nhập khẩu. Trên địa bàn có dự án đầu tư lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng hiện nay đang trong giai đoạn triển khai pháp lý đầu tư, chưa có kế hoạch nhập khẩu.
Tuy vậy, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tìm kiếm, khai thác, thu hút DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN thực hiện thủ tục hải quan tăng thu, đảm bảo thu đạt chỉ tiêu được Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan giao năm 2022 là 5.000 tỷ đồng.
PV: Xin cảm ơn ông!