Dự kiến dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 5/2025. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý.
Quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi và không ưu đãi được tách bạch rõ ràng
Theo dự thảo, quy tắc xuất xứ ưu đãi được sử dụng để xác định xuất xứ hàng hóa nhằm hưởng ưu đãi thuế quan trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Trong khi đó, quy tắc xuất xứ không ưu đãi được sử dụng để xác định xuất xứ hàng hóa với các mục đích khác nhau như đối xử tối huệ quốc, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ…

Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hóa
Một trong những thay đổi đáng chú ý là quy định về xuất xứ đối với “bộ hàng hóa”. Theo đó, bộ hàng hóa được coi là có xuất xứ khi tất cả các hàng hóa thành phần của bộ hàng hóa có xuất xứ. Trường hợp bộ hàng hóa bao gồm hàng hóa có xuất xứ và hàng hóa không có xuất xứ, bộ hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu trị giá của hàng hóa không có xuất xứ không vượt quá 15% trị giá của bộ hàng hóa đó.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Doanh nghiệp nay được phép đề nghị cấp hai C/O cho cùng một lô hàng. Quy định mới cũng cho phép cấp C/O cho hàng hóa được gửi tại kho CFS.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đề xuất mở rộng quy định đối với hiệu lực của C/O cấp sau, với hiệu lực tùy thuộc vào quy định của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, quy định cũng bổ sung cơ chế cấp lại C/O trong các tình huống thực tế như mất mát chứng từ, sai sót kỹ thuật, hoặc khi doanh nghiệp thực hiện tái xuất, tái nhập hàng hóa.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền cấp C/O cho địa phương
Dự thảo Nghị định cũng đề cập đến việc phân cấp, ủy quyền cấp C/O. Ngoài Bộ Công Thương, việc phân cấp, ủy quyền cấp C/O dự kiến được mở rộng đến UBND cấp tỉnh khi đáp ứng điều kiện cấp C/O của Bộ Công Thương.
Việc này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện thủ tục xuất khẩu, đồng thời góp phần bảo vệ uy tín thương mại của Việt Nam trên thị trường quốc tế.