PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đóng góp vào phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội?
PGS.TS Trần Đình Thiên |
PGS.TS Trần Đình Thiên: Trong gần 3 năm qua, Chính phủ nói chung, Bộ Tài chính nói riêng đã rất nỗ lực, quyết liệt thực hiện các chương trình hỗ trợ, khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Việc này không chỉ giúp cho nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn có những động thái hỗ trợ cho sự phát triển sau phục hồi.
Tôi cho rằng, với quyết tâm tranh thủ thời cơ phục hồi trước để vượt lên, Bộ Tài chính đã làm nhiều việc có ý nghĩa. Ví dụ như đồng thuận trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển khi nền kinh tế – xã hội chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nói là “quyết tâm” vì rõ ràng tiền để triển khai các chính sách đó là tiền ngân sách, là tiền tài khóa mà ra.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Hữu Thọ |
Một điểm nữa cần nhấn mạnh là việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đây là một giải pháp có tầm nhìn.
Động thái nữa để giúp nền kinh tế, mà tôi đánh giá rất cao, là dùng giải pháp tài khóa ngăn chặn sự gia tăng lạm phát. Xác định được lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy nhập khẩu từ bên ngoài, để ngăn chặn hiệu quả chỉ có thể sử dụng giải pháp tài khóa, công cụ tài chính. Đây là bài học rất lớn, phát huy được quy tắc “chi tiêu ngân sách liên chu kỳ”. Tức là khi nền kinh tế khó khăn, tài khóa mạnh, tương đối vững do có sự tích lũy tốt từ thu ngân sách trước đó, ta sử dụng để chi tiêu mạnh hơn, hỗ trợ cho nền kinh tế, giảm thuế, phí nhiều hơn, dư địa để giúp doanh nghiệp tốt hơn.
PV: Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều dự báo tăng trưởng có thể chậm lại và lạm phát có thể tăng trong năm 2023. Ông nhận định gì về điều này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Quốc hội vừa qua “chốt” năm 2023 tăng trưởng 6,5% và tốc độ tăng CPI khoảng 4,5%. Theo dự báo từ các tổ chức quốc tế, tăng trưởng GDP 2022-2023 của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên theo thời gian trong khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp khó khăn với nỗi lo lạm phát.
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung |
Việt Nam mấy năm nay kiểm soát lạm phát tốt. Chưa bao giờ Chính phủ Việt Nam có năng lực kiểm soát ổn định vĩ mô và lạm phát tốt như bây giờ. Câu chuyện của chúng ta là tình thế bất thường phải xử sự theo nguyên tắc khác thường. Chúng ta vẫn theo tư duy tăng cường sức mạnh ngân sách hơn là củng cố các công cụ tăng trưởng. Vốn đầu tư công hiện đang giải ngân chậm, trong khi vốn tư lại cực kỳ linh hoạt.
Tôi cho rằng, thời gian tới, chúng ta không được sợ lạm phát, phải tin vào năng lực quốc gia, phải bơm máu cho nền kinh tế.
Chính phủ cần tiếp tục thể hiện bản lĩnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Chúng ta phải lựa chọn các chính sách linh hoạt, không nên thay đổi quá nhiều mà cũng không nên duy trì một chính sách cứng nhắc mãi. Vậy nên việc điều hành cần có bản lĩnh và năng lực, “dĩ bất biến – ứng vạn biến”, cần linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt hành động.
Cần “dĩ bất biến – ứng vạn biến” trong điều hành “Tôi cho rằng, thời gian tới, chúng ta không được sợ lạm phát, phải tin vào năng lực quốc gia, phải bơm máu cho nền kinh tế. Chính phủ cần tiếp tục thể hiện bản lĩnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Chúng ta phải lựa chọn các chính sách linh hoạt, không nên thay đổi quá nhiều mà cũng không nên duy trì một chính sách cứng nhắc mãi. Vậy nên việc điều hành cần có bản lĩnh và năng lực, “dĩ bất biến – ứng vạn biến”, cần linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt hành động” – PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh. |
PV:Trong khó khăn nhưng như ông từng nhận định, Việt Nam thời gian qua đã “trụ hạng” rất tốt. Quan điểm của ông ra sao khi có ý kiến cho rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ, kịp thời với liều lượng phù hợp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Trong kế hoạch năm 2023, Chính phủ đã nhất quán quan điểm điều hành là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, ổn định vĩ mô không chỉ đơn thuần là lạm phát, mà còn rất nhiều vấn đề, như: nợ xấu, sự biến động của các thị trường bất động sản, tài chính… Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Cú sốc thị trường trái phiếu, rồi sự biến động bất thường trên thị trường bất động sản, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, thậm chí cả những vấn đề liên quan đến mặt hàng xăng dầu… là những vấn đề mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.
Về chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, theo tôi vẫn cần phải phát huy cho giai đoạn tới. Ngoài câu chuyện giảm thuế, phí chung cho nền kinh tế thì có những khu vực cần được tập trung ưu tiên để giúp cho các ngành, các tuyến doanh nghiệp, các khu vực có điều kiện bứt lên, từ đó kéo cả nền kinh tế “đứng dậy”. Lúc này là lúc cần phải đặt trọng tâm giúp doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Sang năm 2023, doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do lãi suất thế giới cao, tỷ giá hối đoái tăng, các mạch vốn của nền kinh tế Việt Nam đang có phần ngưng trệ. Lúc này chính sách tài khóa, chi tiêu ngân sách phải hỗ trợ, giải ngân đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn. Điều này cần sự nỗ lực rất lớn từ Bộ Tài chính.
PV: Xin cảm ơn ông!